Hiện nay, việc các dịch vụ của ngành Điện lực kết nối với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ là mảnh ghép quan trọng mang lại thuận tiện, lợi ích cho chính doanh nghiệp và khách hàng.
Dịch vụ công mức độ 4 đạt 100%
Anh Nguyễn Thanh Bình, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không giấu được niềm vui cho biết, hiện nay việc thanh toán tiền điện của gia đình rất thuận tiện. Thay vì nhận phiếu thông báo tiền điện như trước, nay anh nhận được thông báo qua tin nhắn điện thoại. Chỉ cần ngồi ngay tại cơ quan hay bất cứ đâu, với chiếc điện thoại kết nối Internet, anh Bình dễ dàng chuyển tiền điện của gia đình đến công ty điện lực nơi mình đăng ký mua điện sinh hoạt.
Ngay cả những người thân ở quê sử dụng điện hằng tháng, ngồi ở Hà Nội nhưng anh Bình vẫn có thể thanh toán được. Toàn bộ thời gian thanh toán chỉ tính bằng phút, và anh Bình cũng như những khách hàng khác hoàn toàn dễ dàng kiểm tra lại lịch sử việc thanh toán tiền điện này. Từ khi nhận được thông báo cho đến lúc thanh toán, tất cả đều trên môi trường điện tử, không cần có sự tiếp xúc, gặp gỡ giữa khách hàng và nhân viên điện lực.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan Nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng.
Ngành Điện lực ứng dụng hiệu quả Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, thực hiện Đề án 06 đem lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho doanh nghiệp và khách hàng.
Với 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 của Chính phủ đã hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Điện lực có 2 dịch vụ, đó là “Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp” và “Thay đổi chủ thể mua bán điện”. Đáng mừng là cả hai dịch vụ công này đều ở mức độ 4 và đạt tỷ lệ 100%. Đây là một trong số bộ, ban, ngành có dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đạt tỷ lệ 100%. Những tiện ích mà cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư mang lại đối với ngành Điện là vô cùng to lớn, góp phần nâng cao tính hiệu quả, thuận tiện trong quản lý, phục vụ khách hàng…
Với các dịch vụ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi kết nối với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp người dân/khách hàng rất thuận tiện vìcác loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu được thay thế bằng các thông tin: số định danh cá nhân của công dân; số chứng minh nhân dân; địa chỉ thường trú của công dân; thông tin họ và tên đầy đủ của công dân; nơi ở hiện tại của công dân; thông tin chủ hộ của công dân; số sổ hộ khẩu trong Cơ sở Dữ liệu dân cư quốc gia.
Đánh giá về sự tham gia của EVN đối với lộ trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2022, Đại tá Vũ Văn Tấn cũng khẳng định: “ Kết quả tốt, nhiều tiện ích được đẩy mạnh phục vụ khách hàng, người dân và chính doanh nghiệp từ chính việc kết nối, ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, phát triển và quản lý”. EVN đã phối hợp cùng với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và các Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an, để kết nối kỹ thuật, kiểm tra các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ từ năm 2021. Do đó, khi Đề án 06 được ban hành, EVN đã ngay lập tức cùng tham gia với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển khai việc chuyển đổi hệ thống kết nối trên môi trường kiểm thử sang môi trường thật. Kết quả, 2 dịch vụ điện: “Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp” và “Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán” (trong 25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06) được EVN hoàn thành sớm 4 tháng so với tiến độ được Thủ tướng giao.
Những hiệu quả thiết thực
Đánh giá của ông Võ Quang Lâm, Phó tổng Giám đốc EVN: Sự kết nối giữa EVN và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cùng với việc chuyển đổi số trong giải quyết các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của EVN mang lại hiệu quả thiết thực như: tiết giảm chi phí đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với gần 20 triệu trang hồ sơ tương ứng cho việc ký 1 triệu hợp đồng mua bán điện mới và khoảng 1 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký của khách hàng. Các hồ sơ giấy này được thay thế bằng thông tin Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, thông tin trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hồ sơ giao dịch điện tử giữa điện lực và khách hàng.
Hiện nay, toàn bộ các dịch vụ điện được EVN cung cấp trực tuyến đã đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đồng thời, ngành Điện cũng là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đã, đang chủ động trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đáng chú ý, số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các bộ/ngành/địa phương trên Cổng.
Song song với quá trình làm việc việc kết nối, chia sẻ với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, EVN chủ động báo cáo và làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp để nhận được sự hướng dẫn về việc thực hiện các quy định liên quan đến việc cung cấp điện mới, thay đổi hợp đồng mua bán điện khi ứng dụng thông tin trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư để thay thế các giấy tờ về lưu trú như sổ hộ khẩu, số tạm trú…
Thống kê của EVN cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành Điện đã tiếp nhận gần 8,4 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó 99,9% các yêu cầu chủ yếu được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm Hành chính công, Tổng đài CSKH/Website CSKH/App CSKH. Số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%. Tính riêng với các dịch vụ phát sinh giao dịch cấp độ 4 là 1.202.566 yêu cầu trong đó có hơn 674.000 yêu cầu được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tương ứng với 56,06%.
Với 2 dịch vụ "Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp" và "Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ở mức độ 4, khách hàng đã yêu cầu 875.300 lượt dịch vụ, trong đó có 232.500 lượt khách hàng đã khai thác thông tin chia sẻ từ Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư và 27.300 lượt khai thác thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Đánh giá của lãnh đạo EVN cho thấy, để đạt được kết quả như trên là do quyết tâm triển khai từ các cấp lãnh đạo, sự chủ động tích cực hỗ trợ của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đối với EVN trong quá trình kết nối và sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn, sửa đổi các quy định hiện hành, tạo hành lang và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Theo cand.com.vn