Ảnh hưởng của bão Yagi đã khiến nhiều tỉnh thành miền Bắc và nhiều địa bàn của Hà Nội bị mất điện trên diện rộng. Sau cơn bão, nhiều nơi chạy đua cấp điện trở lại.
Ngành điện thiệt hại lớn do bão. Trong ảnh: trụ điện ngã đổ ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngành điện chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều đường dây, trạm điện và cơ sở hạ tầng ngành điện bị gãy đổ, hư hỏng nặng nề.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô là một trong những nơi chịu tác động đầu tiên của bão số 3 từ sáng sớm 7-9, gây mất điện toàn huyện đảo này. Đến hơn 9h sáng, một số tuyến xã đảo của huyện Vân Đồn cũng bị mất điện sau khi bão chuẩn bị vào.
Về trưa và đầu giờ chiều khi bão đổ bộ với gió mạnh hơn 100km/h, thậm chí 150km/h quét qua địa bàn Vân Đồn, Hạ Long, Cẩm Phả làm hàng loạt cột điện, hệ thống truyền tải bị đổ, đứt. Ngành điện lực Quảng Ninh cho biết đến 14h ngày 7-9, do ảnh hưởng của gió rất mạnh và mưa lớn, nhiều đường dây truyền tải điện 500kV và 220kV ở khu vực Quảng Ninh bị sự cố.
Một số đường dây truyền tải điện được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn. Do ảnh hưởng bởi cơn bão, gần như toàn bộ phụ tải của tỉnh Quảng Ninh bị mất điện do sự cố từ nhiều đường dây trung áp.
"Chưa bao giờ trong đời tôi thấy cột điện và cây xanh gãy đổ ngổn ngang như thế này, cơn bão này thật khủng khiếp" - bà Nguyễn Thị Minh, 56 tuổi, một người dân tại phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), chia sẻ trong tiếng gió mạnh rít lên từng hồi.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay nhiều tỉnh thành nằm trong tâm bão đều bị ảnh hưởng lớn do mưa bão và phải thực hiện cắt điện.
Trong đó, tại Quảng Ninh có 14 trạm biến áp 110kV bị tách khỏi vận hành, 84 đường dây trung áp gặp sự cố do bão, điện lực Cẩm Phả gãy đổ 12 cột trung thế, 2 cột hạ thế. Tại Hải Phòng, 6 đường dây 110kV bị ảnh hưởng, gây mất điện toàn bộ huyện đảo Cát Hải; 50 đường dây trung áp khác cũng bị ảnh hưởng, do mưa to, gió lớn nên nhiều cột điện bị đổ và toàn TP bị cắt điện.
Còn tại Thái Bình, 4 đường dây 110kV gặp sự cố, 3 trạm biến áp 110kV đang mất điện. 110 lộ đường dây trung áp (cấp điện áp từ 15kV trở lên) cũng mất điện.
Tại Thanh Hóa có 2 đường dây trung thế bị mất điện, Lạng Sơn gặp sự cố với 10 đường dây trung áp, Nam Định bị sự cố 1 đường dây 110kV, 35 lộ đường dây trung áp; Phú Thọ bị sập mái nhà kho của Điện lực Việt Trì với khoảng 85m2 và nứt nghiêng tường rào bảo vệ trạm trung gian Minh Phương...
Riêng tại Hà Nội, mặc dù đến chiều tối cơn bão số 3 mới đổ bộ trực tiếp nhưng mưa to, gió lớn khắp thủ đô từ sáng gây đổ cây cối, ảnh hưởng vận hành hệ thống điện.
Gần 17h ghi nhận tại Hà Nội, một số địa bàn như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Xuân Đỉnh... bị mất điện. Chị Hương (Văn Quán, Hà Đông) cho hay đã chuẩn bị sẵn thực phẩm đề phòng phương án sẽ mất điện nhưng vẫn không nghĩ bị cắt điện sớm như vậy. Do vậy, dù đã chuẩn bị nấu cơm sớm hơn và sắp sẵn các đồ ăn để nấu nhưng từ gần 16h30 đã bị cắt điện nên nhà chị cũng không kịp nấu thức ăn cho bữa tối.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho hay một số khu vực cây gãy đổ đè vào đường dây, trạm điện dẫn đến mất điện. EVNHANOI đã bố trí hơn 3.000 cán bộ công nhân viên ứng trực, sẵn sàng khắc phục các sự cố, thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, nhanh chóng khắc phục và đảm bảo nguồn điện liên tục, ổn định cho người dân.
Theo thống kê sơ bộ của điện lực các tỉnh thành, số khách hàng bị mất điện, ảnh hưởng do cơn bão số 3 có thể lên tới khoảng 2 triệu khách hàng. Việc khắc phục hệ thống điện để cung cấp điện trở lại gặp nhiều khó khăn do mưa bão và gió mạnh vẫn đang diễn ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Bắc và Hà Nội.
Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Nguyễn Đức Thiện nhấn mạnh thiệt hại cơn bão là rất lớn. Chính vì vậy công ty điện lực bị ảnh hưởng do bão đang phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị khi khôi phục thiệt hại sau khi bão tan.
Các đơn vị còn lại sẵn sàng ứng trực và hỗ trợ, các đội xung kích huy động, chủ động khi cần thiết để khắc phục hậu quả cơn bão. Điện lực miền Bắc yêu cầu 100% quân số quản lý kỹ thuật vận hành ứng trực, tuyệt đối tuân thủ quy định, quy trình để chủ động các phương án xử lý sự cố.
Cột điện, cây xanh gãy đổ dọc tuyến đường nối giữa TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nơi tâm bão số 3 quét qua - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khắc phục để có điện trở lại nhanh nhất
Tối 7-9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện hỏa tốc về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 để sớm cung cấp điện trở lại. Công điện nêu rõ bão số 3 đã đi vào đất liền, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Bắc, đặc biệt là khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và TP Hà Nội gây thiệt hại rất lớn đến công trình, nhà ở.
Hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực bị sự cố gây mất điện nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Do đó, bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua; đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho công tác phòng chống bão.
Các đơn vị trong ngành điện tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão cần huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống điện do bão gây ra.
Với các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý của EVN, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với bão và hoàn lưu bão; nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.
Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra. Sở công thương các tỉnh, TP huy động lực lượng cùng các công ty điện lực để khắc phục sự cố hệ thống. Triển khai các nhiệm vụ ứng phó bão và khắc phục các sự cố do bão gây ra.
Chủ đập thủy điện trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24h, giữ liên lạc thông suốt để kịp thời báo cáo về các tình huống sự cố do bão gây ra; triển khai công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa.
Theo Tuổi trẻ Online