Trong những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (NPC), Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc (NPSC) về việc áp dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế các công trình điện, Xí nghiệp tư vấn đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị nguồn lực, nghiên cứu áp dụng và phối hợp với các đơn vị liên quan từng bước làm chủ công nghệ mới khi thực hiện khảo sát thiết kế, trong đó có việc áp dụng công nghệ thiết kế 3D, hướng tới áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động tư vấn thiết kế các công trình điện.
Việc áp dụng công nghệ thiết kế 3D trong công tác thiết kế các công trình điện có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống, là xu thế tất yếu trong hoạt động ĐTXD của ngành điện. Trong đó trách nhiệm của các đơn vị Tư vấn là tiếp tục chủ động nghiên cứu, nâng cao năng lực và cần đầu tư thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của Hợp đồng trong việc áp dụng thiết kế 3D cho dự án.
Hiện nay Xí nghiệp tư vấn đang tổ chức nghiên cứu sử dụng phần mềm thiết kế Autodesk Revit, trước mắt khai thác chức năng thiết kế 3D, tiến tới áp dụng mô hình thông tin công trình BIM (Building Information Modeling).
Thiết kế 3D là một xu hướng tất yếu trong công tác đầu tư xây dựng vì có rất nhiều ưu điểm so với thiết kế kiểu truyền thống, tuy nhiên nó cũng có 1 số nhược điểm mà người dùng cần quan tâm giải quyết trong quá trình ứng dụng:
- Cần chuẩn bị kỹ về mặt công nghệ (thiết bị máy móc), đào tạo nhân lực.
- Thiết lập phần mềm ở từng bộ môn.
- Khó khăn trong quản lý dữ liệu.
- Chi phí triển khai BIM, thiết kế 3D khá cao (chi phí công nghệ, đào tạo nhân lực).
Thấu hiểu được điều đó, từ cuối năm 2019 Xí nghiệp tư vấn đã phối hợp với các Giảng viên của Viện Quản lý đầu tư Xây dựng thuộc đại học Xây dựng triển khai khóa đào tạo cơ bản về thiết kế 3D bằng phần mềm Autodesk Revit cho một số cán bộ thiết kế của các bộ môn (thiết kế điện, thiết kế xây dựng), và đã thử nghiệm thiết kế hoàn chỉnh cho TBA 110kV. Với sản phẩm thiết kế 3D này đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm so với thiết kế truyền thống:
- Mô hình hóa trực quan, đưa thông tin thiết bị vào bản vẽ, giúp có căn cứ thuận tiện khi bảo vệ phương án thiết kế với CĐT.
- Chính xác và đồng bộ hóa: khi thực hiện thay đổi trên mô hình thiết kế, các bản vẽ liên quan thể hiện mặt cắt, mặt bằng cũng được thay đổi tương ứng, giúp việc xuất bản hồ sơ tránh được sai sót.
Cán bộ XNTV tham gia khóa đào tạo
- Quản lý thống nhất và chặt chẽ hệ thống ký hiệu: Khối lượng thiết bị được tổng kê thống nhất, tự động theo thiết kế và các hiệu chỉnh sau thiết kế. Các font chữ, ký hiệu trên bản vẽ được thể hiện thống nhất trong toàn tập hồ sơ.
- Tạo được môi trường làm việc chung: các bộ môn xây dựng, điện của cả phần Trạm và ĐZ cùng thực hiện thiết kế trên 1 file chung, mỗi thay đổi của từng bộ môn đều được thể hiện tránh sai sót trong quá trình thiết kế.
- Tạo được các clip phục vụ trình chiếu, bảo vệ các giải pháp thiết kế.
Kiểm tra mô hình 3D, phối cảnh TBA
Một số hình ảnh trực quan trong hồ sơ thiết kế TBA 110kV bằng công nghệ thiết kế 3D:
Phối cảnh toàn TBA
Phần tủ trong nhà ĐKPP
Phần mương cáp lực trong nhà ĐKPP
Phần mương cáp điều khiển
Phần ngầm ngoài trạm
Ngoài ra, Xí nghiệp tư vấn cũng đã triển khai mua sắm thiết bị bay không người lái (UAV) và tiến hành khảo sát không ảnh địa hình phục vụ cho công tác thiết kế 3D. Với các kết quả bước đầu này, Xí nghiệp tư vấn sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện thiết kế 3D, dự kiến sẽ áp dụng cho các công trình lưới điện 110kV trở lên trong thời gian tới.
Tổ Kinh Doanh và Xí nghiệp tư vấn - NPSC