Nghề điện, một nghề đầy nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng rất có ý nghĩa cho xã hội. Hình ảnh người thợ điện trong màu áo cam giờ đã quá quen thuộc với chúng ta. Từ thành thị đến nông thôn, từ các tuyến phố đến những con đường làng, từ vùng cao hay miền ngược, chúng ta đều thấy các “chiến sĩ áo cam” không quản ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, đem lại nguồn sáng cho bà con. Trong những ngày nắng nóng, ai ai cũng muốn được ngồi trong nhà bên cạnh những chiếc điều hoà mát lạnh, hay những chiếc quạt chạy vù vù hết công suất. Thế nhưng, để có được những phút giây khoan khoái như vậy, mấy ai biết đến phía sau đó là hình ảnh những người công nhân ngành điện, mỗi ngày làm việc trong cái nắng nóng đỉnh điểm hay những đêm đông giá rét, để giữ cho đường điện ổn định, phục vụ nhu cầu của người dân.
Không có ngôn từ nào có thể miêu tả hết những vất vả, khó khăn, thậm trí phải đối mặt, cận kề giữa sự sống và cái chết của những người thợ điện ấy. Hơn ai hết họ đều nhận thức được rằng, cái nghề nguy hiểm ấy, tai họa có thể đến bất cứ lúc nào. Song với tình cảm với nghề, trách nhiệm với dân, họ thầm lặng đánh đu trên các cột trụ cao mặc hiểm nguy. Họ bám sát từng đường dây, từng trạm biến áp để đảm bảo sự vận hành an toàn của dòng điện.
Những người thợ điện đang làm việc trên cao
Nghề điện luôn vất vả, khó khăn và thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, thì những người thợ điện vẫn luôn sẵn sàng nhận lệnh, lặng lẽ nhanh chóng lên đường và vượt mọi khó khăn để quyết tâm khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của bà con.
Những khó khăn, hiểm nguy ấy không thể biết trước được, cũng như không thể nói hết được. Song những người thợ điện ấy, nghề ‘làm dâu trăm họ” ấy, họ chỉ cần có sự cảm thông và sẻ chia của khách hàng. Với họ, như vậy cũng là đủ để vững tâm tiếp tục theo nghề, gìn giữ và đem lại nguồn sáng cho mọi khách hàng trên khắp miền Tổ quốc, đúng như triết lý cam kết với khách hàng: “Khách hàng là trung tâm”.
Xí nghiệp Tư vấn