Giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư, các hoạt động chính trong giai đoạn này gồm: lập Phương án đầu tư, quyết định giao danh mục đầu tư và giao nhiệm vụ quản lý đầu tư dự án; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư.
Giai đoạn này thường kéo dài tùy theo quy mô, tính chất dự án do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên thường chưa đạt được các yêu cầu về tiến độ như kỳ vọng trong giai đoạn nói trên.
Để đẩy nhanh giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc thường gặp phải nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu, có những khó khăn vướng mắc điển hình như:
Về Quy hoạch Phát triển điện lực và quy hoạch sử dụng đất tại các tỉnh:
Do sự chuyển dịch thay đổi về cơ cấu kinh tế của một số địa phương dẫn đến nhu cầu phụ tải không còn đúng với quy hoạch phát triển điện lực ban đầu đã được phê duyệt. Đi đôi với đó, quy hoạch lưới điện truyền tải và quy hoạch lưới điện các tỉnh của một số địa bàn thiếu thống nhất dẫn đến các dự án trong quá trình lập BCNCKT gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch (vị trí đặt TBA, thông số và chiều dài tuyến đường dây, cấp điện áp và công suất MBA 110kV trong TBA) cần phải điều chỉnh khiến tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng không nhỏ.
Một số đơn vị lập quy hoạch còn chưa điều tra đầy đủ về tình hình thực tế lưới điện khu vực dẫn đến việc một số dự án không thể thực hiện được theo đúng quy hoạch do TBA không có diện tích mở rộng, tuyến đường dây đi trên những khu vực không thể cải tạo hoặc thay mới…
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch các cụm kinh tế, khu vực dân cư, hành lang và quỹ đất cho lưới điện chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu quỹ đất dành cho các công trình điện như ĐZ và TBA 110kV. Điều này dẫn đến một số dự án cần được điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất mới có cơ sở để chấp thuận vị trí TBA và hướng tuyến đường dây.
Về công tác lập Phương án đầu tư các dự án
Phương án đầu tư các dự án thường được lập dựa trên vị trí TBA và hướng tuyến đường dây dự kiến trong quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh. Tuy nhiên nhiều quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt từ nhiều năm trước nên trong quá trình quá trình lập BCNCKT khi làm việc với địa phương xin cấp vị trí TBA và hướng tuyến đường dây đấu nối thường gặp khó khăn, mất nhiều thời gian do không có quỹ đất.
Quy hoạch điện lực tại một số tỉnh được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần cũng là một nguyên nhân khiến phải điều chỉnh lại quy hoạch hoặc điều chỉnh giao A trong quá trình thực hiện dự án.
Về công tác thỏa thuận vị trí đặt TBA và hướng tuyến đường dây 110kV
Công tác thỏa thuận vị trí đặt TBA và hướng tuyến đường dây 110kV đấu nối thường có thời gian thực hiện kéo dài do một số nguyên nhân như:
- - Vị trí đặt TBA 110kV cần phải đặt tại trung tâm phụ tải, tuy nhiên thực tế vị trí này thường không phù hợp với Quy hoạch chung của địa phương, hoặc quy hoạch của các khu công nghiệp, không thuận lợi trong việc lựa chọn các đường dây xuất tuyến 110kV đấu nối, không phù hợp với mỹ quan chung của khu vực.
-
- - Hiện nay hầu hết quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh chưa dự phòng quỹ đất cho việc xây dựng các công trình điện do vậy trong quá trình thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA mất rất nhiều thời gian do phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Ngoài ra một số tuyến đường dây vòng tránh đất rừng (quy hoạch rừng), các quy hoạch khác của địa phương dẫn đến tuyến đường dây kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cũng làm cho tiến độ dự án phải kéo dài thêm
-
- - Một số địa phương do quỹ đất hạn chế nên thường yêu cầu ghép chung các dự án trong cùng một quỹ đất (ví dụ như đường dây 220kV đi chung với đường dây 110kV) … dẫn đến việc phải đồng bộ tiến độ các dự án cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đầu tư
-
- - Công tác thỏa thuận tại một số địa phương phải trải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều đơn vị cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.
Về công tác thẩm định hồ sơ thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng
Theo các quy định hiện hành về công tác ĐTXD, các dự án tùy thuộc tổng mức đầu tư, nguồn vốn vay sẽ được trình thẩm định tại các đơn vị, cơ quan chuyên môn. Điều này giúp chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán xây dụng công trình được nâng cao hơn. Thông qua thẩm định (đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng), cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện ra nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong trong quá trình thực hiện dự án về chất lượng và an toàn công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, công tác này đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc:
- Thủ tục thẩm định của các cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở công thương các tỉnh, Cục ĐL&NLTT Bộ Công thương, …) thường bị kéo dài do các đơn vị có số lượng cán bộ thẩm định ít, khối lượng công việc nhiều.
- Một số đơn vị không đồng nhất về thể thức hồ sơ, pháp lý dẫn đến phải hiệu chỉnh nhiều lần, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp yêu cầu của các Sở, Bộ, Ban ngành.
- Đối với các dự án vốn vay ODA phải trải tra nhiều bước thẩm định với các Bộ Ban ngành ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án, nhất là với các dự án có yêu cầu cung cấp điện cấp bách.
- Quy hoạch điện lực tại một số tỉnh được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần dẫn đến việc phương án đầu tư do các đơn vị lập chưa phù hợp với quy hoạch dẫn đến phải điều chỉnh lại quy hoạch hoặc điều chỉnh giao A trong quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều địa phương bị phong tỏa cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Nhìn nhận được những khó khăn như vậy, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư như:
- Các đơn vị liên quan cần có làm việc chặt chẽ với các địa phương để dành quỹ đất cho các dự án lưới điện, phù hợp với QHPT điện lực các tỉnh.
- Cần có ý kiến với các đơn vị lập quy hoạch phát triển điện lực cần lưu ý đến tính khả thi về mặt bằng sử dụng đất trước khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
- Các đơn vị tư vấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hóa trang thiết bị, xây dựng, phân bổ kế hoạch phù hợp để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng dự án.
- Áp dụng triệt để công tác số hóa trong ĐTXD và nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Hy vọng rằng với sự nhìn nhận một cách thẳng thắn về các khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư cùng với sự quyết tâm tăng cường cả về chất và lượng của đội ngũ làm công tác ĐTXD, các dự án ĐTXD của Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày càng hiệu quả, đạt được sự kỳ vọng về tiến độ đặc biệt là trong khâu chuẩn bị đầu tư.
Xí nghiệp Tư vấn & Phòng Kinh doanh NPSC