Tin ngành điện

Chuyển đổi số tại ENGIE – Tập đoàn Điện lực hàng đầu Châu Âu: Sự lựa chọn cơ cấu tổ chức và mô hình kinh doanh nào

25/08/2021 1176 Lượt xem



Bài viết của bà Isabelle Kocher – CEO của Tập đoàn ENGIE ngày 14/01/2019 đăng trên diễn đàn của Tập đoàn LinkedIn (https://www.linkedin.com/pulse/digital-engie-which-organisation-business-model-isabelle-kocher)



Giới thiệu sơ lược về ENGIE: ENGIE là tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Pháp, hoạt động trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, phát điện và phân phối điện, khí đốt tự nhiên, hạt nhân, năng lượng tái tạo và dầu khí. ENGIE cung cấp điện cho 27 quốc gia tại Châu Âu và 48 quốc gia trên thế giới. Tới cuối năm 2018, ENGIE có tổng cộng 158.505 nhân viên trên toàn thế giới, doanh thu là 60,6 tỷ Euro - nguồn Wikipedia (người dịch).

Quá trình hướng tới nền kinh tế số và doanh nghiệp số đã dẫn tới sự thay đổi sâu sắc trong rất nhiều ngành nghề, mô hình kinh doanh và cơ hội để thiết lập các trật tự mới: ngành bán lẻ đã chuyển đổi với sự nổi lên của bán hàng online; ngành truyền thông với các nền tảng mạng xã hội; ngành phim ảnh, âm nhạc với các nền tảng trình chiếu và quay phát trực tuyến; ngân hàng và bảo hiểm với sự phát triển của thanh toán di động, blockchain …

Liệu mảng năng lượng có thoát khỏi xu hướng trên?



Nếu như chỉ nhìn thoáng qua, sự liên quan giữa hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật số chỉ đơn thuần là với mối quan hệ truyền thống giữa người cung cấp và người tiêu thụ: không có điện sẽ không có internet, máy tính, điện thoại thông minh hay cơ sở dữ liệu. Theo một tính toán tương đối, các hạ tầng kỹ thuật số tiêu thụ khoảng 10% tổng năng lượng toàn cầu và con số này tăng dần đều trong các năm trở lại đây. 

Nhưng đó không phải là tất cả. Cuộc cách mạng số đang tác động tới mảng năng lượng của chúng ta, với sự ảnh hưởng tới toàn bộ các chuỗi sản xuất. Kỹ thuật số định nghĩa lại hoàn toàn cách thức sản xuất, quan hệ của chúng ta với khách hàng, và tạo ra các mảng kinh doanh mới thúc đẩy sự chuyển đổi của mảng cung cấp dịch vụ hạ tầng bao gồm: các giải pháp về hiệu suất, nhà phát điện phân tán, cấu trúc lưới điện, hạ tầng thông minh, biến đổi xanh, thành phố thông minh. Đây thực sự là một sự thay đổi về mô hình.
Công nghệ số là một chất xúc tác trong cuộc cách mạng của mảng điện lực đang diễn ra, chúng ta phải nhìn nhận lại không chỉ về mô hình kinh doanh mà còn cả về cơ cấu tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.

CÁCH MẠNG SỐ TRONG MẢNG ĐIỆN LỰC: SỰ THAY ĐỔI VỀ MÔ HÌNH

Sản xuất: quản lý phức hợp và tối ưu hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà máy điện

Kỹ thuật số mang tới cho chúng ta các phương tiện tốt hơn để quản lý và phối hợp các hệ thống cơ sở hạ tầng phức hợp, cấu thành từ hàng ngàn điểm phát điện phân tán. Sự quản lý này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phát triển của năng lượng tái tạo, hệ thống được định nghĩa là mang tính phân tán và có quy mô lớn hơn nhiều so với các tài sản của các nhà máy phát điện kiểu truyền thống (các nhà máy điện than, khí gas hay hạt nhân). Phát triển hệ thống bảo trì có tính dự báo và vận hành tối ưu các tài sản này sẽ giúp chúng tôi đảm bảo tính cạnh tranh và tăng cường tính an toàn của hệ thống điện. ENGIE – doanh nghiệp dẫn đầu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại Pháp – đã phát triển một trung tâm giám sát năng lượng tái tạo đặt tại Chalons-en-Champagne. Đây là nơi quản lý 100 trang trại điện gió (gồm 825 tuabin gió) và 17 nhà máy điện mặt trời (với 105.000 tấm pin mặt trời), tạo thành một hệ thống phát điện phức hợp về địa lý trải dài trên 6 nước ở Châu Âu. Việc sử dụng sức mạnh của công nghệ số để tập trung hóa tính đa dạng của các điểm phát điện phân tán mang lại khả năng tiết kiệm chi phí, đảm bảo độ an toàn của quá trình lắp đặt, tối ưu hóa khả năng bảo trì có tính dự đoán và chất lượng của luồng dữ liệu truyền tải tới hệ thống điều độ quốc gia Pháp. Ngoài ra hệ thống giám sát này còn tăng khả năng dự đoán về nhu cầu năng lượng gió. Thêm vào đó, năm 2017, tập đoàn đã mua lại nền tảng số Darwin để tạo khả năng thu thập được một lượng lớn các dữ liệu theo thời gian thực của các trang trại điện gió, điện mặt trời, các nhà máy thủy điện và môi trường xung quanh chúng: tốc độ quay của các tuabin gió, nhiệt độ các tấm pin, công suất phát, dự báo thời tiết, giá điện trên thị trường … Tất cả các dữ liệu này cho phép người vận hành tối ưu hóa hoạt động của hệ thống, có được kế hoạch bảo trì tốt hơn, tăng năng suất và từ đó tăng doanh thu.

Quan hệ với khách hàng: hiểu rõ hơn về hành vi tiêu thụ điện của khách hàng

Theo truyền thống, quan hệ giữa khách hàng và người cung cấp điện cho họ thường rất rời rạc. Ngoài một vài thời điểm nhất định (nhận hóa đơn, chuyển nhà, bảo trì thiết bị …), thường thì khách hàng không thích nhìn thấy con số điện năng tiêu thụ của họ và cũng không mấy thiện cảm với nhà cung cấp điện cho họ. Một cách rõ ràng là điều này đã dần thay đổi cùng với sự phát triển của công tơ thông minh và các ứng dụng chăm sóc khách hàng. Khách hàng có thể kiểm tra và hiểu rõ hơn sản lượng điện tiêu thụ của họ, và có thể thay đổi cách thức sử dụng điện một cách kịp thời. Với khách hàng, điều này tạo cho họ cơ hội được trở nên có trách nhiệm hơn trong các hành vi tiêu thụ điện của mình. Còn với các nhà phân phối điện, điều này là cơ hội để phát triển một mối quan hệ mật thiết hơn với khách hàng của họ  và cũng là cơ hội để đưa ra các dịch vụ mới mẻ cho khách hàng. Từ năm 2017, ENGIE đã đưa ứng dụng Mastermind cho các khách hàng sử dụng công tơ thông minh của các hãng như Linky hay Gazpar. Mastermind là một ứng dụng trực tuyến giúp khách hàng hiểu rõ hơn về hóa đơn tiền điện hay khí đốt, dự đoán giá thành hóa đơn cuối kỳ, với khả năng điều chỉnh chi trả hàng tháng, giúp khách hàng hưởng lợi từ việc tiết kiệm năng lượng thông qua khả năng mô phỏng của ứng dụng. Từ hóa đơn chi tiết, khách hàng có thể đánh giá tác động của sự thay đổi về hành vi tiêu thụ điện, so sánh với sản lượng điện năng ngoái hoặc so sánh với một hộ tiêu thụ trung bình với cùng quy mô, ở tại cùng một khu vực.

Mảng kinh doanh mới: “thông minh” ở mọi lĩnh vực

Nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, sạc điện thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh, lưới điện thông minh: các thuật ngữ mà ẩn sau đó là sự hiện diện của Internet vạn vật (IoT) với các cảm biến, dữ liệu lớn (Big data) và các thuật toán có khả năng phân tích dữ liệu và liên tục tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ và toàn bộ quá trình vận hành, từ đối tượng nhỏ nhất – một hộ gia đình – tới đối tượng lớn hơn nhiều – một lưới điện, một thành phố. Việc hướng tới “sự thông minh” mang theo triển vọng về tiết kiệm năng lượng, và hơn thế, đó còn mang lại sự tiện lợi, tạo ra các giá trị mới và nhiều việc làm hơn. Chúng tôi đã có các thương vụ liên quan tới các công ty sạc điện thông minh (EVBox, công ty hàng đầu Châu Âu về sạc điện cho oto), chiếu sáng thông minh (Flashnet), mô hình hóa 3D các tòa nhà (SXD), lưới điện thông minh mini nhỏ (EPS) … để phát triển các thiết kế và hoạt động của các đối tác này. Tập đoàn của chúng tôi đã đạt tới mức độ trưởng thành số nhất định khi có thể ứng dụng các nền tảng số này lên tất cả các mảng kinh doanh của ENGIE (công nghiệp, xây dựng, tư nhân). Ví dụ, ENGIE mới đưa ra hệ thống Livin’, nền tảng số cho các thành phố và các khu vực. Nền tảng này có khả năng kết nối dữ liệu và dịch vụ. Nó ngay lập tức mở ra triển vọng về vận hành các cơ sở hạ tầng, đưa ra các quan sát trực quan về trạng thái trang thiết bị, đồng thời cho phép người dùng đưa ra các kế hoạch trong tương lai thông qua các phân tích mang tính dự báo: nắm được sự phát triển về nhân khẩu học của một khu vực và lựa chọn nơi thích hợp để mở một trường học hay một bệnh viện. Tất cả các dữ liệu này có thể được tập trung và thu thập thông qua các nền tảng số có liên kết với nhau, có tính mở với các doanh nghiệp, các start-up. Mục tiêu là để cụ thể hóa tầm nhìn càng rõ càng tốt, tăng tính khả thi của các dự án thông qua các thuật toán mà chúng tôi đã phát triển. Chúng tôi đã sử dụng nên tảng này cho đối tác của chúng tôi ở thành phố La Baule. Nền tảng sẽ tập trung hóa dữ liệu về giao thông và nơi đỗ xe và sẽ sớm kết nối với hệ thống đèn giao thông công cộng. Chính quyền thành phố sẽ có khả năng giám sát tình trạng hoạt động các tải sản của họ và đảm bảo sự quản lý cân đối, tiết kiệm.

Kỹ thuật số, chìa khóa của hệ thống điện trong tương lai

Làm sao chúng ta có thể duy trì mãi mãi sự ổn định của một hệ thống điện ngày càng trở nên phức hợp và biến đổi không ngừng? Hệ thống của tương lai sẽ được định hình bởi tính phân tán của nó: tại Pháp, hệ thống năng lượng gió với số lượng trụ phát ước tính xấp xỉ gần 7.000, nằm tại 1.100 trang trại gió. Vào tháng 6 năm 2017, có 391.571 tấm năng lượng mặt trời kết nối vào lưới điện. Lưới điện cũng ngày càng linh hoạt từ cả cả bên nguồn - theo sự phát triển của năng lượng tái tạo - và bên tiêu thụ bởi sự nổi lên của các phương tiện giao thông chạy bằng điện, sẽ trở nên khó dự báo hơn. Để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện, chúng ta sẽ cần một hệ thống máy tính đủ mạnh để phân tích các dữ liệu theo thời gian thực và đưa ra các quyết định kịp thời cho hệ thống. Cuộc cách mạng số cho phép chúng ta có thể có một cuộc cách mạng về hệ thống điện. Cách mạng số đã tạo ra sự thay đổi căn bản về mô hình. Chúng ta đang chuyển từ hệ thống tập trung – dựa trên một vài nhà máy điện và  lưới điện kiểu truyền thống – tới hệ thống “nằm ngang” – được quản lý theo thời gian thực và có tính biến động cao. Ranh giới giữa người mua điện và và bán điện ngày càng bị xóa mờ. Các công ty điện lực sẽ nhận ra nhiệm vụ của họ là không phải cung cấp nhiều điện năng cho khách hàng nữa, thay vào đó là giúp khách hàng tiêu thụ điện hợp lý hơn, thậm chí là ít hơn. 

TẠO LẬP MỘT TỔ CHỨC HỌC HỎI KHÔNG NGỪNG

Tổ chức có cấu trúc phân tán

Chúng tôi muốn đạt được sự tương thích giữa sự phân tán của hệ thống lưới điện với sự phân tán của mô hình tổ chức của công ty. 3 năm trước, chúng tôi đã chuyển đổi mô hình của ENGIE sang dạng nằm ngang. Thay vì 5 mảng kinh doanh lõi theo chiều dọc, chúng tôi đã thành lập 24 chi nhánh theo vị trí địa lý. Chúng tôi hạn chế phần tầng của tập đoàn xuống còn 4 chức năng. Quan trọng nhất là chúng tôi đã cho phép các cấp dưới có quyền ra quyết định nhiều hơn. 

Sự linh động trong việc chấp nhận cái mới

Trong một thế giới đang rung chuyển vì cuộc cách mạng số, nơi mà mô hình doanh nghiệp của tương lai chưa được định hình, chúng tôi muốn xây dựng một nền văn hóa mới trong tập đoàn, nơi khuyến khích người lao động dám chấm nhận mạo hiểm và tạo ra một tổ chức đủ linh hoạt để phát huy trí tuệ tập thể. Để khích lệ các sáng tạo từ trong nội bộ, chúng tôi đã xây dựng nền tảng Innov@ENGIE, nơi người lao động có thể đề xuất ý tưởng kinh doanh và tham gia vào với tư cách đối tác khởi nghiệp. Hàng trăm nhân viên đã chứng kiến các dự án của họ được khởi lập bởi ENGIE trong 3 năm qua. Các sáng kiến nội bộ được vinh danh hàng năm tại lễ trao giải sáng kiến. Để toàn bộ các nhóm không phải lo lắng cho thất bại, chúng tôi còn trao giải cho “ý tưởng thất bại tốt nhất”. Chúng tôi cũng hành động để đảm bảo rằng ENGIE vẫn duy trì được tính linh hoạt của mình, nơi sự hợp tác và trí tuệ tập thể được ưu tiên hơn các quy trình truyền thống. Chính vì thế chúng tôi đã tạo ra một thói quen đặt câu hỏi cho người lao động: “có cách nào tốt hơn không?”. 

Công nghệ số, động lực của sự chuyển đổi

Công nghệ số không chỉ đưa chúng ta tới sự chuyển đổi trong tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, nó còn là động lực của sự thay đổi toàn diện. Yammer – mạng nội bộ của tập đoàn chúng tôi – đã có 100.000 thành viên, liên quan tới hàng trăm nhóm cộng đồng. Chúng tôi triển khai Microsoft Ofice 365 và các dịch vụ đám mây cho toàn tập đoàn. Các công cụ này làm đơn giản hóa việc trao đổi ý tưởng và thông tin giữa các nhân viên không cùng làm trong một khu vực, và thậm chí cho các nhân viên cũng trong một bộ phận. Các ứng dụng số còn khuyên khích sự sáng tạo của các nhóm dự án. ENGIE đang phát triển Skill’lib, một nền tảng để trao đổi kinh nghiệm trong công ty, nơi nhân viên truyền đạt kinh nghiệm cho mọi người. Một trong những ví dụ tốt của ứng dụng này là chương trình “Tầm nhìn 2030” được triển khai từ tháng 4/2018, thể hiện mục tiêu phát huy trí tuệ tập thể dựa trên các nền tảng số. Đây là một bài tập để mọi nhân viên được phép mô tả hình dung của họ vềcác hoạt động tương lai của tập đoàn và tưởng tượng thế giới sẽ ra sao vào năm 2030. Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, một sự mô phỏng sẽ được thiết lập với các xu hướng chính trong các kết quả tưởng tượng của toàn bộ nhân viên, qua đó để giúp họ thảo luận về chiến lược phát triển của tập đoàn cho các năm sắp tới. Với sự chuyển đổi các mảng, mô hình kinh doanh và tổ chức, không còn nghi ngờ gì nữa, mảng điện lực sẽ nằm ở trung tâm của cuộc cách mạng số.

Người dịch: Trần Tiến Nam – Phòng KHKT – Công ty Dịch vụ Điện lực Miền Bắc

Gọi điện thoại