Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Thuật ngữ "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã được áp dụng cho sự phát triển công nghệ quan trọng một vài lần trong 75 năm qua, và là để thảo luận về học thuật. Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industry 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Cụ thể, đây là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS).
Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...
Trong quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang có tác động mạnh đến Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty điện lực miền Bắc nói chung và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc (NPSC) nói riêng. CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức lớn đối với ngành điện, nó ảnh hưởng trực tiếp với 3 hoạt động của ngành điện đó là sản xuất điện năng, phân phối điện năng và kinh doanh/ dịch vụ khách hàng.
Để đáp ứng được những điều đó NPSC đã chấp nhận thách thức để tạo nên một cuộc cách mạng nhằm về nâng cao chất lượng dịch vụ điện với phương châm và thực hiện khẩu hiệu “Dịch vụ điện xuất sắc” và quan trọng hơn nữa là cách mạng trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Khi các đơn vị trong ngành điện đã bước đầu thực hiện các bước để đi vào CMCN 4.0 thì NPSC là một Công ty non trẻ mới được thành lập và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 01/01/2019, rất nhanh chóng ban lãnh đạo Công ty đã cho thực hiện ngay các giải pháp để hòa nhập cùng công nghiệp 4.0.
Với tầm nhìn CNTT phải đi trước một bước, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, CSKH đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Các chương trình dùng chung của ngành điện được xây dựng, triển khai và nâng cấp liên tục. NPSC cũng từng bước tiếp nhận và triển khai nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Với mục tiêu “Dịch vụ Điện xuất sắc” các chương trình ứng dụng CNTT lớn, nhỏ được triển khai từ NPSC, từ Tổng Công ty đã đóng góp rất lớn vào thành công chung của nghành điện. Trong các chương trình ứng dụng đó, phải kể đến phần mềm quản lý các loại hình dịch vụ (MSM) đang được xây dựng được ví như một trái tim mang sứ mệnh cải tổ mạnh mẽ công tác kinh doanh - dịch vụ của Công ty trong tiến trình hội nhập kinh tế số. Để phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi đơn vị trong EVNNPC.
Ngoài ra, các chương trình như Quản lý tài chính vật tư FMIS (được nâng cấp lên ERP) luôn được NPSC chủ động tiếp nhận và triển khai nhanh chóng. Văn phòng điện tử Eoffice, giám sát công việc, ứng dụng chữ ký điện tử cũng đã được triển khai tại NPSC nhằm đáp ứng công tác SXKD tại đơn vị.
Cùng với sự phát triển của các phần mềm ứng dụng, hạ tầng CNTT cũng được nâng cấp tương ứng. Tất các đơn vị trực thuộc đã được tham gia mạng diện rộng của Công ty hệ thống LAN, WAN kết nối trực tiếp bằng cáp quang đảm bảo an toàn bảo mật, các chương trình đều được triển khai theo mô hình tập trung (Client - Server). Nhiều chương trình ứng dụng phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh đòi hỏi máy tính phải có cấu hình mạnh, tốc độ đường truyền kết nối cao. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin còn hỗ trợ nhiều tiện ích mở rộng như hội nghị truyền hình trực tuyến, chia sẻ dữ liệu…
Với định hướng lấy công nghệ thông tin làm nền tảng phát triển, được sự chỉ đạo cụ thể từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cùng với sự quan tâm của Ban lãnh đạo Công ty, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc đã và đang từng bước phấn đấu làm chủ công nghệ, chủ động trong sáng tạo, giải pháp để đưa NPSC hướng tới là doanh nghiệp số trong tương lai.
Dương Ngọc Tuấn – Tổ CNTT