Tại Hội nghị tổng kết công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc diễn ra hôm 26/02/2019 tại Việt Trì - Phú Thọ, Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc (NPSC) đã chính thức ra mắt và công bố định hướng tổ chức SXKD giai đoạn 2019-2020.
Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc (NPSC) ra đời trên cơ sở đổi tên Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc thành Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc theo Quyết định số 3919/QĐ-EVNNPC ngày 17/12/2018 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019.
Thông tin về định hướng trong công tác quản trị doanh nghiệp của Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc, Giám đốc Phan Tử Lượng cho biết: NPSC định hướng công tác quản trị doanh nghiệp dựa trên 03 trụ cột chính là con người, quy trình, công nghệ trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Theo dự kiến hết năm 2019, tổng số lượng người của Công ty sẽ là 1500. Công ty sẽ áp dụng quy trình quản trị tập trung, hạn chế phân cấp, tập trung vào hiệu suất lao động; triển khai hệ thống KPIs kết hợp trả lương 3P để tăng năng suất lao động, kích thích sự nỗ lực, cố gắng của CNCNV trong việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ SXKD của công ty. Hàng năm, NPSC sẽ đánh giá các phòng chuyên môn và 27 đơn vị trực thuộc từ đó phân loại, sắp xếp và điều chỉnh. Giám đốc NPSC cũng cho biết, đơn vị sẽ ban hành quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ trong toàn công ty thông qua định kỳ quý/năm sẽ tiến hành đánh giá tổng thể chất lượng phục vụ của các loại hình, phản hồi từ khách hàng, từ đó có sự rút kinh nghiệm, đưa ra các điều chỉnh cần thiết để ngày càng nâng cao chất lượng công việc của Công ty.
Để triển khai kế hoạch SXKD 2019-2020, Công ty sẽ tập trung vào định 2 mũi nhọn chính là dịch vụ tư vấn thiết kế và thí nghiệm. Theo lộ trình tiếp nhận công tác dịch vụ tại các tỉnh, NPSC đã tiếp nhận công tác dịch vụ (tư vấn, thí nghiệm, xây lắp, quản lý dự án) từ Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc để tiếp tục tổ chức sản xuất kể từ ngày 01/01/2019. Đến hết tháng 02/2019 Công ty tổ chức tiếp nhận xong công tác tư vấn, thí nghiệm, sửa chữa, xây lắp của 24 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố thuộc EVNNPC và đưa 11 xí nghiệp dịch vụ điện lực khu vực vào hoạt động, cụ thể: NPSC đã tiếp nhận dịch vụ thí nghiệm tại 24/24 Công ty Điện lực; tiếp nhận dịch vụ tư vấn thiết kế: tại 16/24 Công ty Điện lực (Nghệ An, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Điện Biên và Hòa Bình); tiếp nhận dịch vụ xây lắp tại 13/24 Công ty Điện lực (Tuyên Quang, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Hòa ); tiếp nhận dịch vụ sửa chữa thiết bị điện tại 09 Công ty Điện lực (Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Giang, Phú Thọ).
Trong năm 2019, NPSC sẽ tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ là: Sửa chữa điện hotline, thay thế công tơ định kỳ, gọn hóa cáp viễn thông. Dự kiến kế hoạch doanh thu năm 2019 của Công ty sẽ đạt khoảng 1.120 tỉ đồng, bao gồm doanh thu công tác thí nghiệm điện, tư vấn, sữa chữa máy biến áp, quản lý, chính trang cáp viễn thông, quản lý dự án, sửa chữa điện hotline..... Ngoài các loại hình dịch vụ nội bộ trong EVNNPC, NPSC cũng sẽ triển khai tìm kiếm các khách hàng tiềm năng ngoài ngành để tăng cường doanh thu, đem lại lợi nhuận về cho NPSC như các nhà máy thủy điện, các khu công nghiệp.... Dự kiến, năm 2020, sau khi các loại hình dịch vụ thế mạnh đi vào hoạt động ổn định, NPSC sẽ tiếp tục mở rộng, triển khai thêm các mảng dịch vụ tiềm năng khác như lắp đặt pin mặt trời, sản xuất tủ bảng điện …
NPSC ra đời đã khẳng định quyết tâm của ngành điện nói chung và EVNNPC nói riêng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhằm công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng, đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Cụ thể là thực hiện tách bạch các hoạt động dịch vụ điện lực với khâu phân phối, quản lý vận hành; cải thiện công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng theo hướng chuyên nghiệp; tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Mai Phương - Ban Truyền Thông