Ngày 16/09/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong - Hà Nội và qua các đầu cầu truyền hình từ các nước trên thế giới, từ các tỉnh thành phố của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia, những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khí Việt Nam, tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu; Đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời Diễn đàn là nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Diễn đàn được chia thành hai phiên với các điều phối viên là TS. Võ Chí Thành (ảnh trái màn hình), PGS,TS Phạm Hoang Lương (ảnh phải màn hình)
Phiên đầu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận và chia sẻ chính sách đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26, với sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), đại sứ quán các nước,...
Phiên 2 đặc biệt quan trọng với sự tham gia của cộng đồng các viện trường, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụngnăng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới, với sự tham dự của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Yokohama - Nhật Bản, Đại học Oxford, Viện nghiên cứu Bears - Singapo, Đại học Hải Dương quốc gia Đài Loan, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương, Csiro - Úc, Sustainable Buildings Hà Lan, Công ty cổ phần Phích nước Rạng Đông, Công ty Thép Hoà Phát,....
Ông Henrik Adler Nielsen, Cố vấn năng lượng, Cục năng lượng Đan Mạch với “OUTPUT 5 Center of Excellence” chia sẻ qua cầu truyền hình.
Nếu như Phiên đầu nêu ra các mục tiêu, các chính sách và các chương trình hỗ trợ, thì Phiên 2 nêu ra các giải pháp công nghệ để có thể hiện thực hóa các mục tiêu, đưa chính sách, chương trình hỗ trợ vào đời sống quốc gia, doanh nghiêp, hộ tiêu dùng…
Chia sẻ về tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định cần nâng cao trình khoa học công nghệ. "Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo phải dựa vào ứng dụng khoa học, đầu tư cho công nghệ xanh", ông nói và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, có thể xây dựng chiến lược xanh để sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả hướng tới phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, cường độ sử dụng năng lượng Việt Nam luôn ở mức 2 con số, trong bối cảnh nguồn cung sơ cấp thiếu, phụ thuộc nguồn nước ngoài cần đặt bài toán để sử dụng năng lượng ít, hướng tiêu thụ trên GDP giảm xuống một chữ số; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Diễn đàn đã vượt qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng như ý định ban đầu mà còn đề cập đến các nội dung từ nguồn phát, nguồn khai thác đến truyền dẫn năng năng lượng và giảm thiểu, xử lý các bon sinh ra trong quá trình sử dụng năng lượng, thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.
Theo EVNNPC