Chiều 12/5, tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu cấp cao Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, để thảo luận về hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam thông qua việc phát triển một Chương trình Quan hệ chuyển dịch công bằng.
Dự buổi làm việc có: Tiến sỹ John Murton - Đặc phái viên của Chính phủ Anh cho COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu - lần thứ 26); ông Joshua Tebbutt - Trưởng ban Chiến lược cho COP26, Văn phòng Nội các; ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Về phía Liên minh Châu Âu có: ông Marc Vanheukelen - Đại sứ Liên minh Châu Âu về Ngoại giao về khí hậu; ông Philip Owen, Trưởng ban Tài chính Khí hậu, Tổng cục Khí hậu; ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Rui Ludovino - Tham tán Thứ Nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Về phía EVN, cùng dự buổi làm việc có ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn.
Buổi làm việc giữa EVN và đoàn đại biểu cấp cao Liên minh châu Âu và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
Đoàn đại biểu cấp cao Liên minh châu Âu và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là tuyên bố phát thải ròng bằng “0” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra và sự tham gia của Việt Nam vào tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch năng lượng.
Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi về kế hoạch của EVN để thực hiện cam kết tại COP26; những thuận lợi và thách thức đối với việc chuyển dịch năng lượng, đặc biệt về việc đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện.
Theo ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN, sau khi Việt Nam ký cam kết tại COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong triển khai thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Về phía EVN, tập đoàn cũng sẽ thực thi nghiêm túc theo các chỉ đạo, lộ trình, chính sách của nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, EVN cũng phải phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong lộ trình thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như: thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; khó khăn trong huy động vốn để đầu tư, xây dựng các công trình lưới điện, chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện đạt tiêu chí phát thải…
Lãnh đạo EVN kỳ vọng, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ có những sự hỗ trợ đối với EVN về mặt tài chính, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm phát thải để thực hiện các cam kết của COP26. Lãnh đạo EVN cũng tin tưởng, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục có những trao đổi, hợp tác cụ thể trong lĩnh vực cân bằng năng lượng.