Tin ngành điện

Công điện về việc chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành cơn bão số 2

10/08/2022 136 Lượt xem
Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc vừa có công điện số 136/CĐ-EVNNPC, ngày 09 tháng 8 năm 2022 về việc chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành cơn bão số 2.

Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 09/8/2022, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, sau có khả năng đổi hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 2. Đến 07 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 07 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Để đảm bảo công tác vận hành, an toàn cho con người và tài sản, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, Tổng giám đốc Tổng công ty yêu cầu:
1. Chủ động theo dõi, nắm bắt về diễn biến bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức triển khai phương châm 4 tại chỗ, trực PCTT&TKCN khi có tin bão ảnh hưởng đến đất liền khu vực miền Bắc, khắc phục nhanh sự cố, kịp thời khôi phục cung cấp điện cho khách hàng.
2. Tổ chức kiểm tra và gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, sự cố gây mất an toàn trong quản lý vận hành, cung cấp điện. Đối với các khu vực miền núi cần tăng cường đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến lưới điện.
3. Các Công ty Điện lực có phương án đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu khi úng ngập xảy ra, các phụ tải quan trọng.
4. Chỉ đạo, quán triệt đến tất cả CBCNV nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi làm việc trong điều kiện mưa bão. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về phòng chống tai nạn điện trong cộng đồng dân cư tại các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
5. Thực hiện, tuân thủ các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
6. Các Công ty thuỷ điện thực hiện kiểm tra lưu lượng nước về đập, hồ chứa, kênh máng, ống dẫn,… để đảm bảo an toàn trong công tác quản lý vận hành của Nhà máy. Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin và cảnh báo mưa lũ để đảm bảo an toàn cho hồ đập, cũng như đảm bảo an toàn cho các khu vực hạ du. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương khi tiến hành xả lũ (nếu xảy ra), tuân thủ các quy trình, quy định hiện hành.
7. Các Ban QLDA tổ chức kiểm tra, đảm bảo an toàn cho con người, các công trình và vật tư thiết bị trên công trường đang triển khai thi công, không để máy móc, vật tư thiết bị bị ngập úng do mưa lũ.
8. Các Công ty Điện lực phối hợp NPCIT duy trì và đảm bảo tốt hệ thống thông tin liên lạc, các đường truyền dẫn, hệ thống cáp quang và viễn thông dùng riêng của Tổng công ty, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
9. Các Công ty Điện lực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CSKH cập nhật thông tin ảnh hưởng của thiên tai đến tình hình cung cấp điện để kịp thời giải đáp cho khách hàng.
10. Ban An toàn phối hợp với Ban Truyền thông chủ động theo dõi và cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình thiệt hại do thiên tai, công tác khắc phục trên trang Web của Tổng công ty và chủ động cung cấp cho các cơ quan truyền thông, báo chí để kịp thời đưa tin.

Xem và tải công điện tại đây:cv-bao-9-8-2022.pdf

Gọi điện thoại