Nhiều hãng công nghệ đối mặt với nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu và số lượng người dùng sau hai năm tăng trưởng bùng nổ.
Hồi tháng 1, MainStreet - công ty chuyên ứng dụng công nghệ cho các dịch vụ tài chính có trụ sở ở San Jose, California - đưa toàn bộ nhân viên đến một khu nghỉ mát xa hoa ở Maui, Hawaii làm việc kết hợp nghỉ dưỡng. Chuyến đi kéo dài một tuần là màn ăn mừng cho việc công ty đã huy động thành công 60 triệu USD cho vòng gọi vốn cuối năm 2021, đồng thời sẽ tiếp nhận khoản đầu tư tương tự vào tháng 2.
Một tháng sau, khủng hoảng chip gia tăng, tình hình chiến sự ở Ukraine và hàng loạt vấn đề khác khiến kinh tế toàn cầu trở nên biến động và dấy lên sự bi quan trong lĩnh vực công nghệ. Từ kỳ vọng hàng chục triệu USD cho vòng gọi vốn thứ hai, MainStreet chỉ huy động được rất ít so với dự đoán ban đầu. Cuối tuần trước, công ty sa thải 50 nhân viên, tương đương 1/3 tổng số nhân sự.
Ngày 30/4, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cảnh báo rằng thị trường công nghệ đang chuyển dịch. "Đa số đánh giá thấp biến động lần này. Chúng chưa thể hiện rõ, nhưng sẽ sớm dạy chúng ta bài học. Một bài học đau đớn", ông viết trên Twitter.
Hàng hóa chất đầy trong kho bãi của Amazon khi nguồn cung vượt quá nhu cầu. Ảnh: WSJ
Trong giai đoạn từ 2020 đến đầu 2022 khi Covid-19 hoành hành, ngành công nghệ tăng trưởng đáng kinh ngạc khi người dân phải ở nhà và sử dụng đồ công nghệ nhiều hơn, từ phần cứng tới phần mềm. Hàng loạt gã khổng lồ như Apple, Amazon, Microsoft đạt vốn hóa thị trường ở mức kỷ lục, trong khi các công ty khởi nghiệp nhận được lượng tiền đầu tư khổng lồ.
Còn giờ đây, có dấu hiệu cho thấy ngành công nghệ sắp kết thúc kỳ "trăng mật" và tiến tới chu kỳ giảm sút. Theo một số nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành, các đợt sa thải tồi tệ có thể sắp diễn ra trên diện rộng, từ các gã khổng lồ công nghệ cho đến những công ty khởi nghiệp.
"Ngành công nghệ sắp trải qua lần thứ ba điều chỉnh mạnh nhất trong 20 năm qua, sau đại suy thoái 2007-2009 và sự sụp đổ của bong bóng dot-com năm 2000", David Sacks, người đồng sáng lập quỹ Craft Ventures, nhận xét.
Đà đi xuống của các hãng công nghệ
Sau thời gian tuyển dụng rầm rộ, nhiều công ty lớn bắt đầu thắt chặt chi tiêu. Tuần trước, Meta thông báo sẽ "đóng băng" việc bổ sung kỹ sư mới. Giám đốc tài chính Dave Wehner của công ty cho biết mục tiêu tuyển dụng đang giảm dần và "sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các đội ngũ trong công ty".
Cuối tháng 4, Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky cũng thừa nhận công ty đang chuyển từ việc thiếu sang thừa nhân viên. Đây được đánh giá là sự thay đổi bất thường, bởi Amazon là công ty liên tục "khát" nhân sự trong thời gian dài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ khách hàng.
Trong khi đó, cả Facebook và Netflix đã giảm người dùng hàng quý lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Điều này báo hiệu các khoản lỗ sẽ tiếp tục xảy ra trong các quý tài chính tiếp theo. Apple dự đoán, sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở Trung Quốc có thể khiến hãng mất 8 tỷ USD trong quý tài chính sắp tới.
Các công ty lớn tuyển dụng mạnh giai đoạn 2019-2021 (cột phải) và giá cổ phiếu (cột giữa) giảm mạnh giai đoạn 2021-2022. Nguồn: Yahoo Finance/SEC
Giới quan sát đánh giá, biến động về tuyển dụng và dự báo tài chính giảm cho thấy bộ mặt của ngành công nghệ đang thay đổi. Thực tế, trong giai đoạn 2019-2021, các công ty công nghệ lớn như Netflix, Zoom, Okta, Block và Twilio đã tăng gấp đôi lực lượng lao động và giá cổ phiếu cũng nhân đôi. Nhưng kể từ tháng 11/2021 đến nay, giá cổ phiếu đã mất một nửa.
Một số chuyên gia coi các dấu hiệu bán tháo trên thị trường chứng khoán là "giá trị quay trở lại một cách hợp lý" của các công ty công nghệ sau thời gian tăng trưởng điên cuồng do đại dịch.
"Đây là điều chỉnh cần thiết sau thời gian bị cường điệu hóa và thiếu tính bền vững", Nitish Mittal, chuyên gia của công ty nghiên cứu Everest Group, nói với Bloomberg.
Một số nhà đầu tư cảnh báo lĩnh vực công nghệ có thể sụp đổ như năm 2000 và 2007. "Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi bắt đầu bong bóng dot-com, nơi tất cả các công ty khởi nghiệp về cơ bản không thể gọi vốn vì không có vốn", Keith Hwang, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư công nghệ Selcouth Capital Management, nói với Business Insider. "Mọi thứ bắt đầu bằng việc sa thải, sau đó các thành trì dần sụp xuống. Cảm giác lúc này của tôi là như đang ở bên bờ vực".
Will Price, người sáng lập của công ty đầu tư công nghệ Next Frontier Capital, cũng có chung nhận định trên WSJ: "Cuộc chiến giành nhân tài công nghệ rất khắc nghiệt. Nhưng nếu mối quan tâm đến lĩnh vực này chậm lại, điều đó cho thấy một công ty đang đi xuống. Tôi có cảm giác các doanh nghiệp đang bị chèn ép từ nhiều phía".
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng sự cảnh báo dường như bị nâng lên quá mức. "Big Tech đang 'xả hơi' sau đợt tăng mạnh về mặt nhân sự. Đây là bước đi lành mạnh", Dan Morgan, Giám đốc Synovus Trust Company, nói với Business Insider.
Một số khác mong đợi sự suy thoái sẽ khơi mào cho những phát kiến mới. "Sẽ có nhiều công ty tuyệt vời được thành lập thời gian tới. Sự sa thải khiến nhân tài bị bỏ rơi, nhưng đó cũng là động lực để họ thành những doanh nhân mới", Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại công ty VC Interplay, cho biết.
Theo vnexpress.net